Cuộc thi được tổ chức nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, học sinh, khơi dậy tinh thần đam mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hình thức dự thi

Phần thi trực tuyến cá nhân

1.1. Vòng loại:

Thí sinh đăng ký tài khoản tại địa chỉ http://www.tuhaovietnam.edu.vn để tham gia dự thi trực tuyến. Vòng loại diễn ra trong 04 tuần thi. Mỗi tài khoản được dự thi tối đa 02 lần/ tuần. Căn cứ để xếp hạng và trao giải trong tuần dựa vào điểm số và thời gian thực hiện bài thi. Tuần thi bắt đầu từ 08h00 ngày chủ nhật, kết thúc vào 17h00 ngày thứ bảy hằng tuần. Kết quả hằng tuần được công bố vào 9h00 ngày thứ 3 tuần sau.

Mỗi lần tham dự, mỗi thí sinh tham gia trả lời các câu hỏi ở 4 phần thi, cụ thể như sau:

- Phần 1: KHỞI ĐỘNG – “Theo dòng lịch sử”

Phần thi này gồm 10 câu hỏi dạng trắc nghiệm về các sự kiện theo mốc thời gian của lịch sử Việt Nam. Thời gian suy nghĩ và trả lời 01 câu hỏi tối đa là 30 giây, hết 30 giây nếu thí sinh chưa có phương án trả lời hệ thống sẽ tự động chuyển sang câu hỏi khác và không tính điểm cho câu hỏi đó. Mỗi câu trả lời đúng được 05 điểm và trả lời sai không có điểm.

Điểm tối đa của phần thi này là 50 điểm. Thời gian tối đa của phần thi này là 300 giây.

- Phần 2: THỬ THÁCH – “Hành trình đến địa chỉ đỏ”

Phần thi này đưa ra một khung hình ảnh được cắt thành 09 ô tương ứng với 09 câu hỏi trắc nghiệm. Thí sinh được tự chọn thứ tự các ô để trả lời, khi chọn vào mỗi ô, hệ thống sẽ đưa ra câu hỏi với thời gian suy nghĩ và trả lời là 30 giây, hết 30 giây mà thí sinh chưa có phương án trả lời, hệ thống sẽ tự động chuyển sang câu hỏi khác và không xuất hiện phần hình nền bị che, không tính điểm cho câu hỏi đó. Mỗi câu trả lời đúng được 05 điểm kèm theo xuất hiện hình ảnh nền của ô tương ứng.

Sau khi lật xong 09 ô, thí sinh có 30 giây để trả lời câu hỏi xuất hiện cùng hình ảnh.Trả lời đúng câu hỏi hình ảnh được 15 điểm.Thí sinh có quyền trả lời câu hỏi hình nền sau khi lật được ít nhất 04 ô vuông để kết thúc phần 2. Trong trường hợp này, điểm số thí sinh đạt được là điểm của câu hỏi hình nền và điểm của câu hỏi ở các ô còn lại chưa mở (các ô đã mở nhưng trả lời sai, không được tính điểm trong trường hợp này).

Điểm tối đa của phần thi này là 60 điểm. Thời gian tối đa của phần thi này là 300 giây.

- Phần 3: TĂNG TỐC – “Danh nhân đất Việt”

Màn hình của phần thi được chia làm hai cột dữ liệu, cột A chứa 10 dữ liệu được sắp xếp cố định, cột B chứa 15 dữ liệu có tính chất động, thí sinh có nhiệm vụ sử dụng chuột máy tính di chuyển từng ô ở cột B gắn vào với 01 ô tương ứng ở cột A để có được đáp án đúng. Thí sinh có 200 giây để ghép 10 cặp thông tin đúng. Hết thời gian, hệ thống sẽ tự động tính điểm, mỗi cặp dữ liệu đúng thí sinh được 10 điểm, ghép sai không bị trừ điểm.

Điểm tối đa của phần thi này là 100 điểm. Thời gian tối đa của phần thi này là 200 giây.

- Phần 4: VỀ ĐÍCH – “Tự hào Việt Nam”

Ở phần thi này, hệ thống sẽ đưa ra hình ảnh bản đồ Việt Nam, thí sinh có 10 lần yêu cầu để hệ thống tự động khởi chạy và dừng lại ở một địa phương bất kỳ trên bản đồ. Tại mỗi địa phương, thí sinh trả lời 01 câu hỏi trắc nghiệm có nội dung gắn với các vấn đề về lịch sử, văn hoá của địa phương đó. Mỗi câu trả lời đúng được 10 điểm, sai bị trừ 05 điểm. Thời gian tối đa để suy nghĩ và trả lời câu hỏi là 20 giây, thí sinh có quyền yêu cầu hệ thống tính điểm sau khi đã đưa ra phương án lựa chọn để chuyển sang câu tiếp theo.

Ở phần thi này, thí sinh có quyền được đặt ngôi sao hy vọng 02 lần tương ứng với 02 câu hỏi tùy chọn, nếu trả lời đúng câu hỏi có ngôi sao hy vọng điểm số của câu hỏi đó được nhân đôi, nếu trả lời sai bị trừ 10 điểm.

Điểm tối đa của phần thi này là 120 điểm, thời gian tối đa là 200 giây. Trong trường hợp tổng điểm của thí sinh bằng 0, phần thi sẽ dừng lại.

Tổng điểm tối đa mà thí sinh có thể đạt được sau khi hoàn thành 4 phần thi là 340 điểm.

1.2. Vòng thi chung kết cá nhân cấp tỉnh, thành phố:

Sau 04 tuần thi, 85 thí sinh có số điểm cao nhất cùng thời gian hoàn thành nhanh nhất ở mỗi tỉnh, thành phố sẽ tham gia Vòng thi chung kết cá nhân cấp tỉnh, thành phố. Vòng thi này sẽ diễn ra đồng loạt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước để chọn ra 85 thí sinh tham gia vòng thi chung kết cá nhân toàn quốc.

Hình thức các phần thi của vòng chung kết cá nhân cấp tỉnh, thành giống vòng loại.

1.3. Vòng thi chung kết cá nhân toàn quốc:

Vòng thi chung kết toàn quốc diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của 85 thí sinh, trong đó:

  • 63 thí sinh đạt giải Nhất vòng chung kết cá nhân cấp tỉnh, thành phố.

  • 22 thí sinh có điểm cao nhất, thời gian hoàn thành ngắn nhất ở vòng chung kết cá nhân cấp tỉnh, thành phố tính trên phạm vi toàn quốc (trừ 63 thí sinh đạt giải Nhất cấp tỉnh, thành phố).

Nội dung vòng thi gồm:

Mỗi thí sinh viết 01 bài cảm nhận với chủ đề “Thanh niên với lịch sử, văn hóa dân tộc”.

Thi đối kháng sân khấu với các phần thi giống vòng chung kết cấp tỉnh, thành phố.

Tiêu chí xét giải thưởng dựa vào tổng điểm số của hai phần thi. Trong trường hợp thí sinh có tổng điểm bằng nhau, Ban Tổ chức sẽ căn cứ vào thời gian hoàn thành bài thi hoặc câu hỏi phụ để xếp giải. Ban Tổ chức sẽ công bố chi tiết Thể lệ vòng thi chung kết toàn quốc công khai qua website của Hội thi.

2. Phần thi video clip

2.1. Nội dung:

Phần thi dành cho cá nhân hoặc nhóm học sinh không quá 5 người(đến từ một hoặc nhiều trường THPT, TTGDTX), thực hiện video clip có nội dung về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc, cụ thể:

  • Giới thiệu các địa danh, di tích, danh nhân, loại hình văn hóa, nghệ thuật, các phong tục của địa phương nơi tác giả, nhóm tác giả sinh sống hoặc của địa phương khác.

  • Các bài học lịch sử về quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

  • Các sự kiện, thời kỳ lịch sử của dân tộc.

2.2.Yêu cầu về sản phẩm dự thi:

  • Loại hình: Video clip. Ưu tiên các hình thức sáng tạo về mặt đồ họa để thể hiện nội dung của tác phẩm.

  • Thời lượng: Tối đa 10 phút.

  • Chất lượng hình ảnh HD-720p hoặc Full HD-1080p, tỉ lệ màn hình 16:9, định dạng file mp4, mov, avi, mpg

  • Chất lượng âm thanh 128kbps trở lên.

  • Ngôn ngữ: Tiếng Việt, hoặc song ngữ Tiếng Việt -kết hợp với 01 tiếng nước ngoài khác.

  • Tác phẩm chưa từng tham gia bất cứ cuộc thi nào. Các tư liệu sử dụng trong tác phẩm cần nêu rõ nguồn gốc.

  • Nội dung tác phẩm không vi phạm thuần phong mỹ tục và các quy định của pháp luật.

  • Trong tác phẩm dự thi nêu rõ tên, ngày tháng năm sinh, học sinh lớp, trường, địa chỉ liên hệ của từng tác giả.

Cách đăng ký gửi bài dự thi

Bài dự thi gửi theo 01 trong 02 hình thức bắt buộc sau:

  • Gửi link file dự thi về địa chỉ email: cuocthituhaovietnam@gmail.com

  • Gửi tác phẩm dự thi bằng file trong usb hoặc đĩa CD/DVD trực tiếp tại: Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, phòng 208, số 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. SĐT: 04.6263.1852

Lưu ý: Ban Tổ chức được toàn quyền sử dụng các tác phẩm gửi về dự thi để quảng bá cho Cuộc thi, lịch sử, văn hóa, truyền thống của Việt Nam đến với xã hội

Cách ôn luyện

  • Đọc nhiều sách về những sự kiện lịch sử, con người lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của Việt Nam

  • Tìm kiếm nhiều thông tin hơn về văn hóa, lịch sử  trên báo đài, phương tiện thông tin đại chung

  • Sử dụng sổ tay ghi chép các sự kiện lịch sử theo dòng thời gian, những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng, những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc để ghi nhớ và có thể học lại ở bất cứ nơi nào

  • Thành lập hoặc tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ về lịch sử văn hóa dân tộc để tìm kiếm và thường xuyên được trao đổi với những người có cùng đam mê, sở thích.