Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia là gì?

Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia là kỳ thi dành cho học sinh bậc trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 1 hàng năm. 32 học sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi này được Bộ Giáo dục và Đào tạo triệu tập tại Hà Nội, Việt Nam để thi thêm vòng 2 để lựa chọn các học sinh vào đội tuyển Quốc gia Việt Nam tham dự các cuộc thi Olympic khu vực và quốc tế. Kỳ thi bao gồm nhiều môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc.

Ý nghĩa của kỳ thi

Kỳ thi nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học, đào tạo bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, đất nước. 

Những thí sinh tham gia kì thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế được miễn xét tốt nghiệp và tuyển thẳng vào bất kì trường đại học nào với môn thi phù hợp.

Những thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi này được đăng kí xét tuyển thẳng vào trường đại học có khối ngành phù hợp với môn đã dự thi và được cộng điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Những thí sinh đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi này được đăng kí xét tuyển thẳng vào trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp nào có khối ngành phù hợp với môn đã dự thi.

Đối tượng dự thi

Kỳ thi dành cho đối tượng dự thi là học sinh đang học bậc trung học phổ thông ở Việt Nam đã tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp cơ sở và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.

Nội dung thi

Được thực hiện theo hướng dẫn nội dung dạy học các môn chuyên của các trường trung học phổ thông chuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, áp dụng từ năm học 2001 – 2002. Bên cạnh đó, đối với các môn khoa học tự nhiên, nội dung thi sẽ bao gồm cả những kiến thức chuyên sâu về hóa học, vật lý,... 

Kỳ thi có 3 buổi thi, trong đó:

- Các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: 1 buổi thi (mỗi môn 1 bài thi viết)

- Các môn Toán, Tin học, Ngoại ngữ: 2 buổi thi (Toán - 2 bài thi viết, Tin học - 2 bài thi trên máy tính, Ngoại ngữ - 1 bài thi viết và 1 bài thi nói)

- Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học: 3 buổi thi (mỗi môn 2 bài thi viết và 1 bài thi thực hành)

Thời gian làm bài thi là 180 phút.

Kỳ thi được tổ chức thi tại đơn vị dự thi hoặc các đơn vị dự thi liên kết tổ chức thi chung tại một địa điểm.

Phổ điểm

- Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ: Thang điểm 20

- Toán, Tin học: Thang điểm 40

- Vật lí, Hóa học, Sinh học: Thang điểm 42 (40 điểm thi viết và 2 điểm thi thực hành)

Cách đăng ký thi 

Tại trường học đang theo học, đăng ký học đội tuyển và tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp cơ sở (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và một số trường trung học phổ thông chuyên thuộc các trường đại học) và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.

Giới hạn số lượng thí sinh: Đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi có tối đa 06 thí sinh (Hà Nội tối đa 12 thí sinh). 

Cơ cấu giải thưởng

Có các giải thưởng (giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích) và chỉ xếp giải cá nhân theo từng môn thi.

Người đạt các giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi này được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp bằng chứng nhận Học sinh giỏi cấp quốc gia trung học phổ thông.

Cách luyện tập

Các thí sinh chủ yếu luyện tập theo đội tuyển của trường, quận/huyện, tỉnh/thành phố từng địa phương. Đội tuyển sẽ phụ trách xây dựng phương pháp, lộ trình học tập cho học sinh để nâng cao kiến thức. 

Ngoài ra, thí sinh có thể tham khảo các đề thi mẫu, các đề thi đã được thi các năm trước để luyện tập. Thí sinh tìm thêm tài liệu tham khảo, chuyên sâu của từng môn học, có thể của các lớp cao hơn để tìm hiểu và chuẩn bị kiến thức cho bản thân. 

Nếu có khó khăn, vướng mắc, thí sinh có thể nhờ sự trợ giúp, hướng dẫn của bạn bè và các thầy cô phụ trách. Thêm vào đó, thí sinh cũng lưu ý về các quy chế thi và thời gian làm bài (nên luyện tập đề với thời gian  giới hạn để nâng cao hiệu quả).